Bản thân các thương hiệu cũng chẳng vui vẻ gì khi thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật
Rất nhiều hãng mỹ phẩm đã quyết định không thử nghiệm sản phẩm của mình trên động vật, không chỉ là để lấy cái danh hiệu “cruelty-free” để thu hút đối tượng khách hàng yêu động vật, mà còn bởi vì quy trình này giờ đã lỗi thời và hoàn toàn có thể thay thế được bằng các phương pháp thử nghiệm an toàn khác. Thế nhưng, chuyện “thử nghiệm trên động vật” vẫn là một bài toán đau đầu khi một thương hiệu nào đó cần phải cân đối giữa đạo đức và doanh thu. Cụ thể là nếu muốn được chính thức bán tại thị trường Trung Quốc, các sản phẩm mỹ phẩm bắt buộc phải trải qua quy trình thử nghiệm trên động vật.
Câu chuyện này bắt đầu được đào bới lại trong thời gian gần đây, bởi sự việc thương hiệu mỹ phẩm đình đám – NARS (gắn liền với những hộp phấn má được yêu thích nhất trong tủ của các chị em) đã bắt buộc phải từ bỏ danh hiệu “cruelty-free”, khiến cho những tín đồ trung thành của NARS vô cùng giận dữ. Đại diện thương hiệu này đã phải đăng một bài viết rất dài trên Instagram để giải thích cho tình thế “tình ngay lý gian” này:
“Chúng tôi muốn các bạn biết rằng chúng tôi vẫn luôn lắng nghe ý kiến của các bạn. Phong trào tẩy chay chuyện thử nghiệm trên động vật phải được diễn ra trên toàn cầu. Chúng tôi có niềm tin mãnh liệt rằng các sản phẩm mỹ phẩm hoàn toàn có thể được thử nghiệm để chứng minh tính an toàn mà không làm hại đến động vật, nhưng chúng tôi vẫn phải tuân thủ luật pháp của những thị trường địa phương, cụ thể là Trung Quốc.
Chúng tôi đã quyết định phân phối NARS chính thức trên thị trường Trung Quốc, bởi chúng tôi nhận thấy rằng việc mang tầm nhìn về cái đẹp và nghệ thuật của NARS tới khách hàng ở đây là rất quan trọng. NARS không chủ động muốn thử nghiệm trên động vật, cũng không thuê cơ sở ngoài làm việc này, mà đây chỉ là vấn đề bị bắt buộc yêu cầu do luật pháp địa phương.”
(Ảnh: Asianft)
Câu chuyện của NARS gợi lại một vấn đề tương tự xảy ra với một cái tên đình đám trong giới mỹ phẩm – MAC. Không chỉ là “người khổng lồ” của nhóm mỹ phẩm trang điểm, MAC còn nổi tiếng với nhiều hoạt động thiện nguyện, có hẳn quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS lên tới 450 triệu đô, và ban đầu MAC cũng là hãng không thử nghiệm trên động vật. Nhưng đến năm 2005, khi bắt đầu phân phối chính thức trên thị trường Trung Quốc, MAC lại bắt buộc phải từ bỏ danh hiệu “cruelty-free” của mình.
Đại diện của hãng MAC đã trả lời phỏng vấn trên tờ Teen Vogue rằng bản thân hãng hoàn toàn phản đối việc thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật. Hãng MAC có đủ các loại giấy tờ và bằng chứng chứng minh mỹ phẩm của mình an toàn, và rất muốn thuyết phục chính phủ Trung Quốc loại bỏ quy trình này. Nhưng bất cứ hãng mỹ phẩm nước ngoài nào muốn đưa sản phẩm vào thị trường Trung Quốc đều không thể “né” được chuyện “hành hạ động vật”, bởi một vấn đề mà MAC đã không ngại nói thẳng ra là TIỀN.
Để được cấp phép bán ở Trung Quốc, từng sản phẩm nhỏ đều phải trải qua rất nhiều quy trình xét duyệt với nhiều thủ tục hành chính phức tạp, nhiêu khê, kéo dài từ 6 tháng đến cả năm trời. Trong đó, chính phủ Trung Quốc yêu cầu phải có một giấy phép liên quan đến vệ sinh, và đây là bước mà các hãng sẽ vừa phải nộp sản phẩm mẫu, vừa phải nộp phí để sản phẩm này “được” đưa vào thử nghiệm trên động vật trong các phòng thí nghiệm của Trung Quốc. Chính phần “phí thí nghiệm” này là một nguồn thu lớn cho chính phủ Trung Quốc, tạo công ăn việc làm cho nhiều người, trong khi các bước thí nghiệm thì rất dã man. Theo báo cáo của PETA thì động vật trong các phòng thí nghiệm này thường bị bắt ăn mẫu mỹ phẩm, bị bôi mỹ phẩm lên da, mắt, thường thì con nào cũng chết. Kiểu thử nghiệm như thế này rõ ràng là phản khoa học, thậm chí đã bị cấm ở châu Âu vì nó chẳng đem lại bằng chứng cụ thể về độ an toàn của mỹ phẩm.
Thậm chí, các hãng mỹ phẩm lớn, cụ thể là Estee Lauder (công ty mẹ của MAC) đã lập hẳn một quỹ để hỗ trợ Trung Quốc áp dụng các phương pháp thử nghiệm mỹ phẩm hiện đại, chính xác hơn, tập trung vào nghiên cứu thành phần mỹ phẩm để phát hiện độc tố, không cần đến động vật. Nhưng các nhà cầm quyền ở Trung Quốc vẫn thích hành hạ động vật để làm tiền các thương hiệu mỹ phẩm hơn.
(Ảnh: hsi)
Rõ ràng, bản thân các thương hiệu mỹ phẩm cũng chẳng vui vẻ gì khi sản phẩm của mình dây dưa đến việc hành hạ động vật, vừa tốn kém, vừa bị fan quốc tế tẩy chay. Những người yêu động vật chân chính đã gọi những thương hiệu như NARS hay MAC là “đạo đức giả”, và toàn bộ công sức gây dựng danh tiếng “cruelty-free” suốt bao năm qua của họ coi như đổ sông đổ bể khi họ quyết định đặt chân vào Trung Quốc. Nhiều người đặt câu hỏi: Nếu đã phản đối chuyện thử nghiệm trên động vật đến cùng, tại sao không từ chối thị trường Trung Quốc cho đến khi chính quyền quốc gia này bãi bỏ chế độ bắt buộc thử nghiệm trên động vật?
Có lẽ những người đặt câu hỏi như vậy không hề biết rằng Trung Quốc là thị trường mỹ phẩm trị giá 30 tỷ đô la. “Vắng mợ thì chợ vẫn đông”, không có NARS hay không có MAC thì người Trung Quốc vẫn có đầy phấn má son môi của các hãng khác để dùng, nhưng nếu không quyết định tiến thân vào Trung Quốc thì những thương hiệu này sẽ bị thất thu khủng khiếp, nhất là khi sự có mặt của những quầy hàng phân phối chính hãng sẽ góp phần giảm sự bành trướng của mỹ phẩm nhái vốn là “đặc sản” tại quốc gia tỷ dân này.
Vậy nên, quyết định “bỏ” hay “theo” của mỗi hãng mỹ phẩm giữa hai vấn đề “cruelty-free” và “kiếm lợi ở Trung Quốc” chắc chắn là một hành động vô cùng cân não, có thể trong những cuộc họp cổ đông của NARS hay MAC còn xảy ra những trận đại chiến cãi vã, ném bàn ném ghế cũng không chừng. Ở NARS hay MAC, phe “thân Trung” đã thắng.
Nhưng vẫn còn rất nhiều hãng mỹ phẩm khác đã quyết định từ bỏ món lợi ở Trung Quốc để giữ chân cộng đồng khách hàng yêu động vật của mình tại các quốc gia còn lại. Những cái tên “thân động vật” này bao gồm The Body Shop (thương hiệu quá nổi tiếng đã có mặt tại Việt Nam), Kat Von D (các chị em mê son kem lì hoặc các hộp phấn mắt lộng lẫy chắc đã quen với cái tên này), Wet n Wild (mỹ phẩm trang điểm siêu rẻ của Mỹ, đặt nhà máy sản xuất tại Trung Quốc nhưng không bán tại Trung Quốc), Essence Cosmetics (hãng mỹ phẩm bình dân của Đức, nổi tiếng với hộp phấn tươi bị làm nhái rất nhiều ở Việt Nam), Urban Decay (hãng mỹ phẩm cao cấp, “trùm” của những khay phấn mắt tổng hợp) v.v...
Một số tư liệu lấy từ: Refinery29.com; Teenvogue.com.
Bài viết thuộc bản quyền Bambi, vui lòng tự trọng khi sao chép!