Dưỡng ẩm thường xuyên là vậy, nhưng bạn đã biết phân biệt các thành phần dưỡng ẩm?
Khi phân biệt được sự khác nhau trong cơ chế làm ẩm cho làn da, bạn có thể chọn được sản phẩm dưỡng ẩm phù hợp với nhu cầu của mình.
Chất hút ẩm
Chất hút ẩm còn được gọi là “humectant”. Những chất này hoạt động theo cơ chế hút các phân tử nước trong không khí và đưa vào làn da bạn. Đặc biệt có hai thành phần hút ẩm nổi tiếng đang được ưa chuộng nhất hiện này là glycerin và hyaluronic acid, giúp da ngậm nước tối ưu và có độ căng mịn ngay sau khi thoa kem.
Các thành phần hút ẩm nổi tiếng, phổ biến được dùng trong mỹ phẩm dưỡng da là acid amin, cồn có chiết xuất từ mía đường (glycerol và sorbitol), mật ong, gel lô hội, ceramide, AHA.
Chất làm mềm
Chất làm mềm được gọi là “emollient”. Các thành phần này giúp sản phẩm dưỡng da, cụ thể là kem dưỡng có thể dễ dàng trải đều lên bề mặt da, giúp da có cảm giác dễ chịu, bớt căng khô ngay khi thoa kem.
Với những làn da bị tổn thương, hư hại lớp màng bảo vệ da do ảnh hưởng của chất tẩy rửa mạnh, do ô nhiễm môi trường, do tia UV trong ánh nắng mặt trời, thì càng nên dùng sản phẩm dưỡng ẩm chứa chất làm mềm. Các thành phần làm mềm phổ biến, lành tính là các loại lipid và dầu thực vật, chiết xuất yến mạch và bơ hạt mỡ.
Chất giữ ẩm
Chất giữ ẩm còn có cách gọi khác là chất khóa ẩm, trong tiếng Anh là “occlusive”. Các thành phần này có tác dụng như một lớp màng giúp ngăn độ ẩm trong da bị thoát ra ngoài không khí, đồng thời ngăn các yếu tố gây kích ứng từ bên ngoài tấn công vào da. Các chất giữ ẩm giúp duy trì độ ẩm trên da dài hơn, ngăn ngừa da bị kích ứng, thích hợp với da khô và sử dụng trong mùa đông. Trong mỹ phẩm thiên nhiên, các chất giữ ẩm có tác dụng nhất và lành tính nhất thường là dầu olive hoặc các loại sáp thực vật.